Trang web này sử dụng cookies. Với việc tiếp tục truy cập trang web, bạn đồng ý với việc chúng tôi sử dụng cookies.Đọc chính sách bảo mật của chúng tôi

Huawei chia sẻ cách quản trị có tính hệ thống về vấn đề an ninh mạng tại Ngày An toàn Thông tin Việt Nam 2019

2019.11.29
[Hà Nội, Việt Nam, ngày 29 tháng 11 năm 2019] Huawei ngày hôm nay, tại Hội thảo Ngày An toàn Thông tin Việt Nam 2019 (Vietnam Information Security Day 2018) diễn ra tại Hà Nội, đã chia sẻ quan điểm của mình về cách quản trị một cách hệ thống về vấn đề an ninh mạng (cyber security), trong đó nhấn mạnh yêu cầu về các tiêu chuẩn an ninh mạng thống nhất trên toàn cầu, và yêu cầu về việc xác minh, đánh giá các vấn đề an ninh mạng một cách độc lập. 

Bài trình bày của đại diện Huawei cho biết, kinh tế số đang là một xu hướng lớn nhất và mang lại nhiều cơ hội nhất cho các quốc gia trong thập kỷ tới. Theo báo cáo của Oxford Economics và Huawei, tốc độ tăng trưởng của kinh tế số cao gấp 2,5 lần so với GDP toàn cầu, lợi tức đầu tư dài hạn của công nghệ kỹ thuật số cao gấp 6,7 lần so với công nghệ phi kỹ thuật số (non-digital technology). Đến năm 2025, nền kinh tế số sẽ đóng góp 23 ngàn tỉ USD cho GDP toàn cầu, chiếm tỷ lệ 24,3%.

Ông Jeff Nan, chuyên gia cao cấp về an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư của Huawei

“Công nghệ kỹ thuật số đã phát triển nhanh chóng, đồng thời nó cũng mang theo một loạt các thách thức bảo mật mới. Khi chúng ta cùng làm việc để giải quyết chúng, chúng tôi muốn khuyến khích tất cả các bên liên quan đánh giá các rủi ro tiềm ẩn theo cách hợp lý, khách quan hơn và dựa trên bằng chứng. Chúng tôi tin rằng thách thức của an ninh mạng sẽ được giải quyết tốt nhất khi đó là một mục tiêu chung toàn cầu, và với cách tiếp cận toàn xã hội, toàn ngành, có hệ thống”, ông Jeff Nan, chuyên gia cao cấp về an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư của Huawei chia sẻ.  

Bài thuyết trình của diễn giả Huawei chỉ ra rằng xuất xứ của nhà cung cấp không có trong số những nguyên nhân chính gây ra rủi ro bảo mật. Cơ quan An ninh mạng và Thông tin của Liên minh châu Âu (ENISA) đã phân tích tất cả 169 sự cố an ninh mạng mà các nhà mạng viễn thông châu Âu gặp phải trong năm 2017 và đưa ra kết quả: 62,1% sự cố là do lỗi hệ thống; 18,3% sự cố là do lỗi của con người; 17,2% là do hiện tượng tự nhiên; và 2,4% là do các hành động cố ý phá hoại. Trung tâm An ninh mạng Quốc gia (NCSC) của Vương quốc Anh gần đây đã kết luận: "Trong 1.200 sự cố an ninh mạng lớn mà NCSC đã quản lý kể từ khi thành lập, quốc gia xuất xứ của các nhà cung cấp không có trong số những nguyên nhân chính gây lo ngại về cách thức các cuộc tấn công này được thực hiện. Vấn đề nằm ở các yếu tố kỹ thuật kiến trúc nên các hệ thống mạng và cách chúng được vận hành".

Ông Jeff Nan cũng đã giới thiệu về cách thức an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư được tích hợp trong các quy trình của Huawei, với hệ thống xác minh bảo mật độc lập nhiều lớp “nghìn tay, nghìn mắt”, mà ở đó mọi bộ phận, mọi nhân viên của Huawei đều nằm trong hệ thống đảm bảo an ninh mạng từ đầu đến cuối (end-to-end). Huawei cũng mở các Trung tâm minh bạch về an ninh mạng tại Banbury (Anh), Bonn (Đức), Brussels (Bỉ), Dubai (UAE), Thâm Quyến (Trung Quốc) và Toronto (Canada) để tạo ra một nền tảng trao đổi cởi mở, minh bạch và hợp tác với các cơ quan chính phủ và các bên liên quan trong các vấn đề an ninh mạng. 

"Là một công ty, an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Cam kết của Huawei về an ninh mạng không bao giờ bị lu mờ bởi các tính toán về lợi ích thương mại. Chúng tôi cam kết xây dựng niềm tin và chất lượng cao vào mọi sản phẩm và giải pháp cơ sở hạ tầng CNTT mà chúng tôi phát triển", Jeff Nan phát biểu. “Trong 30 năm qua, Huawei đã phục vụ hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới, hỗ trợ hoạt động ổn định của hơn 1.500 mạng lưới viễn thông tại hơn 170 quốc gia và khu vực. Chúng tôi đã duy trì hồ sơ an ninh mạng trong sạch và vững chắc trên toàn thế giới, giành được sự tin tưởng của hàng chục nghìn ngàn khách hàng doanh nghiệp. Sứ mệnh xã hội của Huawei là mang kỹ thuật số đến với mọi người, mọi gia đình và mọi tổ chức để xây dựng một thế giới thông minh, được kết nối trọn vẹn”.